Các mốc khám thai quan trọng hay lịch khám thai định kỳ là một trong những vấn đề mà bất cứ thai phụ nào cũng cần quan tâm và nắm rõ, điều này sẽ giúp cho việc theo dõi sát sao quá trình hình thành và phát triển thai nhi trong từng giai đoạn tốt hơn. Từ đó có những phương án xử lý, điều chỉnh kịp thời. Nếu như bạn vẫn chưa nắm rõ các mốc khám thai quan trọng thì trong bài viết này hãy cùng Tackexinh.com đi tìm hiểu những thông tin chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ
Trong suốt quá trình mang thai việc đi khám thai định lỳ là một trong những điều vô cùng quan trọng mà mỗi thai phụ cần phải thực hiện, nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, đồng thời thông qua việc khám thai định kỳ các bác sĩ sẽ dễ dàng hơn trong việc theo dõi đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và bé, nhanh chóng phát hiện những nguy cơ xấu có thể xảy ra trong thai kỳ, từ đó đưa ra phương án giải quyết kịp thời và sớm nhất.
Tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ là gì? – Ảnh: Internet
Thông qua việc khám thai định kỳ các thai phụ cũng sẽ được bác sĩ tư vấn về các chế độ sinh hoạt, chế độ ăn uống, tập luyện… sao cho tốt nhất, cũng như đưa ra những khuyến cáo không nên làm hoặc hạn chế làm trong suốt quá trình mang thai.
Ngoài ra cũng theo một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng với những thai phụ khi tuân thủ thực hiện việc khám thai định kỳ đầy đủ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong của thai nhi xuống gấp 5 lần so với những thai phụ không thực hiện khám thai định kỳ. Bên cạnh nguy cơ tử vong ở thai nhi thì tỷ lệ những đứa trẻ được sinh ra nhẹ cân hơn đối với thai phụ không đi khám thai định kỳ cũng sẽ cao hơn thai phụ đi khám thai thường xuyên.
Các mốc khám thai quan trọng nhất
Theo những tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa thì trong mỗi thai kỳ, các bà mẹ cần phải kiểm tra và thăm khám ít nhất 3 lần vào các thời điểm đó là 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Tuy nhiên để có thể theo dõi được một cách chi tiết và chính xác nhất thì một thai kỳ sẽ cần kiểm tra và thăm khám 7 lần. Ngoài ra còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi thai phụ mà các bác sĩ sẽ đưa ra lịch khám thai định kỳ riêng.
Mốc khám thai lần đầu tiên – Từ tuần 5 – 6
Đây được coi là mốc khám thai quan trọng nhằm xác định được rằng liệu bạn có đang thực sự mang thai hay không cũng như xác định được vị trí làm tổ của phôi thai. Ở mốc khám thai đầu tiên thường không cố định bởi không phải ai cũng sớm phát triển hiện được mình đang mang thai. Do đó ngay khi nhận thấy các dấu hiệu mang thai như: buồn nôn, trễ kinh, chóng mặt, mệt mỏi, ra máu báo thai… thì cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra.
Mốc khám thai quan trọng lần đầu tiên – Ảnh: Internet
Đối với lần khám thai đầu tiên khi đi khám thai phụ sẽ được các bác sĩ chỉ định thực hiện những đánh sau:
- Kiểm tra cân nặng, chiều cao nhằm tính toán chỉ số BMI của cơ thể từ đó đưa ra kết quả rằng bạn có đang bị thừa cân, béo phì hay là không. Trong trường hợp thai phụ bị thừa cân, béo phì thì sẽ đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn nhằm kiểm soát cân nặng khi mang thai để hạn chế những biến chứng cho thai nhi.
- Tiến hành đo huyết áp: Các bác sĩ sẽ đo huyết áp của thai phụ để xem thai phụ có bị huyết áp cao hay không, cũng như có nguy cơ bị tiền sản giật hay không.
- Thử nước tiểu: Giúp kiểm tra nồng độ hormone thai kỳ (hCG) nhằm xác định chắc chắn là có thai cũng như biết được phôi thai đang phát triển một cách bình thường.
- Tiến hành siêu âm để kiểm tra vị trí của phôi thai, tuổi thai nhằm phát triển những dấu hiệu bất thường ví dụ như: Thai ngoài tử cung…
- Tính tuổi thai và ngày dự sinh của bé
- Xét nghiệm máu để kiểm tra xem thai phụ có đang mắc một số bệnh như: Viêm gan B, Bệnh giang mai, HIV/AIDS, Bệnh sởi, bệnh thủy đậu…
Sau khi thực hiện những xét nghiệm, đánh giá ở trên tại mốc khám thai lần đầu tiên này các thai phụ sẽ được các bác sĩ tư vấn về: Chế độ dinh dưỡng và ăn uống khi mang thai, tư vấn các vấn đề sàng lọc trước sinh, cần uống bổ sung một số loại thuốc nhằm ngăn ngừa dị tật ở thai nhi, tư vấn tập luyện hàng, cảnh báo những thói quen xấu gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi….
Mốc khám thai thứ 2 – Tuần thứ 7 – 8
Đây là mốc khám thai thường được các bác sĩ chỉ định ngay sau lần khám thai đầu tiên. Ở lần khám thai này sẽ giúp thai phụ nghe được tim thai cũng như chiều dài của phôi thai, từ đó đánh giá được thai nhi có đang phát triển một cách bình thường tương xứng với tuổi thai hay không.
Mốc khám thai quan trọng thứ 2 – Ảnh: Internet
Bên cạnh đó ở mốc khám thai này các thai phụ cũng sẽ được xét nghiệm, thăm khám giống như lần khám thai thứ 1 như: Thử nước tiểu, kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, thử máu, siêu âm nhằm đánh giá chính xác tình trạng phát triển của thai nhi hiện tại.
Mốc khám thai thứ 3 – Tuần thai thứ 12
Tại mốc khám thai này các thai phụ sẽ được khám sàng lọc dị tật thai nhi, đo độ mờ da gáy, cũng như thực hiện các xét nghiệm double test, từ đó các bác sĩ sẽ đánh giá được thai nhi có đang bị mắc các dị tật hay không.
Một số dị tật có thể phát hiện ở mốc khám thai thứ 3 (tuần 12) này như: Dị dạng tim, bệnh down, dị dạng chi, thoát vị cơ hoành… Bên cạnh đó ở lần khám thai này các bác sĩ cũng có thể chuẩn đoán được một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm. Đối với trường hợp các chỉ số này quá cao bác sĩ sẽ chỉ định chọc ối tuần 17 – 18 nhằm chuẩn đoán ra bệnh.
Lịch khám thai định kỳ thứ 3 – Ảnh: Internet
Mốc khám thai lần 3 (tuần 12) này sẽ giúp các thai phụ có thể biết được sự hình thành cột sống, các chi, cũng như những bộ phận cơ thể khác. Đồng thời đo độ mờ da gáy của thai nhi, theo thống kê độ mờ da gáy (khoảng sáng sau gáy) dày 3,5 – 4,4mm có tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể là 21,1%, độ mờ da gáy lớn hơn hoặc bằng 6,5mm thì thai nhi sẽ có bất thường nhiễm sắc thể lên tới 64,5%
Mốc khám thai thứ 4 – Tuần thứ 16
Mốc khám thai thứ 4 diễn ra vào tuần thứ 16, ở thời gian này các thai phụ sẽ biết được giới tính của thai nhi là gì, đồng thời cũng giống như những mốc khám thai trước ngoài những xét nghiệm cơ bản như đo huyết áp, cân nặng, thử máu, thử nước tiểu, siêu âm theo dõi sức khỏe của thai nhi và mẹ… các thai phụ sẽ được xét nghiệm Triple test nhằm chuẩn đoán nguy cơ bệnh down, dị dạng nhiễm sắc thể ở nhai nhi.
Mốc khám thai thứ 5 – Tuần thứ 22
Tuần thứ 22 cũng được coi là một trong những mốc khám thai quan trọng mà các thai phụ cần lưu ý. Ở mốc khám thai này các bác sĩ có thể phát hiện được những bất thường ở bên ngoài của thai nhi như: Dị dạng ở các cơ quan, sứt môi, những khác thường ở hệ xương, tim… của thai nhi. Kiểm tra vị trí bám của nhau thai, lượng nước ối.
Mốc khám thai tuần thứ 5 – Ảnh: Internet
Ngoài ra ở mốc khám thai này nếu thai phu chưa tiêm phòng uốn ván lần nào thì sẽ được thực hiện tiêm phòng (mũi thứ 2 sẽ cách sau đó 1 tháng).
Mốc khám thai thứ 6 – Tuần 32
Tại tuần thứ 32 là mốc khám thai mà người ta gọi là thời điểm sàng lọc trước sinh. Điều này có nghĩa là tại lần khám thai này các bác sĩ sẽ phát hiện sớm được các vấn đề dị tật, động mạch của thai nhi.
Bên cạnh đó sẽ xác định được ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng của bé và khung xương chậu của mẹ. Từ đó giúp các bác sĩ có thể chuẩn đoán được những nguy cơ có thể xảy ra trong ngày sinh nở, chuẩn bị những phương án dự phòng cho thai phụ. Việc kiểm tra lượng nước ối, bánh nhau xem có gì bất thường không cũng sẽ được thực hiện trong lần khám thai này.
Mốc khám thai thứ 7 – Tuần thứ 36
Đây có thể coi là một trong các mốc khám thai quan trong cuối cùng mà các thai phụ cần lưu tâm. Trong lần khám thai cuối cùng này ngoài việc thức hiện thăm khám thường quy như xét nghiệm, thử máu, kiểm tra cân nặng, đo huyết áp… bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm 4D, siêu âm màu để có thể theo dõi Doppler động mạch rốn, động mạch tử cung, động mạch não, dây rốn, nước ối…
Mốc khám thai quan trọng thứ 7 lần cuối – Ảnh: Internet
Đặc biệt ở lần khám thai này bác sĩ sẽ đưa ra dự đoán rằng thai phụ có thể sinh thường hay phải sinh mổ đẻ, đồng thời các bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn thai phụ cách nhận biết dấu hiệu sắp sinh để có thể kịp thời nhập viện trong thời gian sớm nhất.
Những kinh nghiệm khi đi khám thai định kỳ
Bên cạnh việc nắm được các mốc khám thai quan trọng thì mỗi thai phụ cũng cần tham khảo một số kinh nghiệm khám thai trước như:
- Nên chuẩn sẵn các câu hỏi, thắc mắc có liên quan đến vấn đề mang thai đặc biệt là đối với những thai phụ mang thai lần đầu.
- Cần tổng hợp lại các thông tin cá nhân một cách đầy đủ, chi tiết như: Thời gian bắt đầu và kết thúc chu kỳ kinh nguyệt vào lần gần nhất, tiểu sử bệnh của người thân…
- Cần tìm hiểu và lựa chọn những địa chỉ khám thai uy tín, chất lượng có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa
- Cần uống nhiều nước, đồng thời không nên đi tiểu trước khi đi khám thai
- Không nên ăn sáng trước khi đi siêu âm và làm xét nghiệm
Khám thai định kỳ ở đâu tốt nhất
Như đã nói qua ở trên về kinh nghiệm đi khám thai định kỳ, đó là cần lựa chọn những địa chỉ khám thai uy tín, chất lượng. Do đó để thai phụ có thể dễ dàng tìm hiểu thì dưới đây sẽ là một số địa chỉ khám thai định kỳ tốt nhất mà chúng tôi tổng hợp lại.
Khám thai định kỳ ở đâu tốt nhất – Ảnh: Internet
- Khám thai tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội – (Địa chỉ: 929 La Thành, Ba Đình, Hà Nội)
- Khám thai tại bệnh viện phụ sản Trung Ương – (Địa chỉ: 43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
- Khám thai tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn – (Địa chỉ: 12 Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội)
- Khám thai tại bệnh viện đa khoa Quốc Tế Vinmec – (Địa chỉ: 458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
- Khám thai tại bệnh viện Bạch Mai – (Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội)
- Khám thai tại bệnh viện Phụ sản Quốc Tế Sài Gòn – (Địa chỉ: 63 Bùi Thị Xuân, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP Hồ Chí Minh)
- Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng – (Địa chỉ: 402 Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)
>>> Có thể bạn quan tâm: Bảng cân nặng thai nhi chuẩn quốc tế
Như vậy trên đây là bài viết chia sẻ giúp các thai phụ có thể nắm được các mốc khám thai quan trọng hay lịch khám thai định kỳ, cũng như một số kinh nghiệm khám thai định kỳ mà bạn nên biết. Hy vọng rằng đây sẽ là bài viết tham khảo hữu ích cho các mẹ bầu đặc biệt là đối với các mẹ mang thai lần đâu chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức mang thai.
Ruby Phạm | Làm mẹ | Tackexinh.com