Kinh tế phát triển một cách nhanh chóng, cũng với đó là những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, khí hậu và dịch bệnh. Các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đang dần quan tâm nhiều hơn đến Green Marketing với mong muốn có thể cải thiện được tình trạng môi trường ô nhiễm, đồng thời nâng cao những hiệu quả về kinh doanh. Vậy Green Marketing là gì? Đâu là những cách giúp xây dựng một chiến lược Green Marketing hiệu quả nhất, hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết chia sẻ dưới đây nhé.
Green Marketing là gì?
Green marketing hay còn gọi là Marketing xanh được hiểu là những hoạt động tiếp thị sản phẩm dựa theo xu hướng thân thiện với môi trường. Green marketing sẽ gắn liền với những hoạt động của doanh nghiệp từ quy trình sản xuất, thay đổi thiết kế của sản phẩm, bao bì đóng gói và hàng loạt những hoạt động quảng cáo… nhằm đáp ứng tiêu chí về bảo vệ môi trường của người tiêu dùng và toàn xã hội. Bên cạnh đó đây cũng được coi là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng đối với đối thủ.
Tìm hiểu về Green marketing là gì? – Ảnh: Internet
Green marketing còn có thể được đề cập đến việc sản xuất cũng như tiếp thị hàng hóa dựa trên các đặc tính thân thiện với môi trường, trong đó có thể kể đến như việc ưu tiên sử dụng các vật liệu tái chế trong sản phẩm, hạn chế sử dụng các vật liệu độc hại, không sử dụng quá nhiều bao bì, ưu tiên những sản phẩm có thể sửa chữa hoặc tái sử dụng.
Bản chất của Green marketing
Việc các công ty, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động marketing xanh giúp tăng hiệu quả marketing truyền thông bằng cách thúc đẩy, truyền bá những giá trị cốt lõi về môi trường. Từ đó mong muốn người tiêu dùng sẽ có thể kết nối những giá trị này với doanh nghiệp hoặc thương hiệu của họ.
Thông qua việc tham gia những hoạt động này sẽ có thể thúc đẩy việc tạo ra một dòng sản phẩm mới, phục vụ cho một thị trường mục tiêu mới đầy tiềm năng.
Tầm quan trọng của Green marketing
Green marketing không chỉ có lợi về mặt môi trường mà nó còn có lợi cho các daonh nghiệp:
Lợi ích của Green marketing đối với doanh nghiệp – Ảnh: Internet
- Tiếp cận thị trường mới: giúp doanh nghiệp tiếp cận thêm được thị trường mới, bao gồm những người tiêu dùng xanh thích các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn là những sản phẩm không thân thiện với môi trường, nếu họ được lựa chọn
- Lợi thế cạnh tranh: Hoạt động tiếp thị xanh giúp tăng thêm nhiều khách hàng vào cơ sở khách hàng hiện tại của bạn. Từ đó mang lại cho doanh nghiệp của bạn lợi thế cạnh tranh so với đối thủ
- Mức độ trung thành với thương hiệu và gia tăng giá trị thương hiệu: Các thương hiệu liên tục thể hiện cam kết bảo vệ môi trường và phát triển định hướng môi trường xanh có xu hướng giành được sự trung thành lớn hơn từ khách hàng.
- Hình ảnh công chúng tích cực: Một doanh nghiệp khi đi theo định hướng phát triển thân thiện với môi trường, sẽ khiến khách hàng cảm nhận rằng doanh nghiệp có một triển vọng có trách nhiệm và nhận thức vì cộng đồng. Từ đó tạo nên một hình ảnh đẹp về thương hiệu trong mắt người tiêu dùng ở thời điểm hiện tại và tương lai.
5 yếu tố cần có cho một chiến lược Green marketing
Dưới đây sẽ là 5 yếu tố cơ bản cần phải có trong mỗi chiến lược Green marketing góp phần trong việc tạo nên thành công cho doanh nghiệp
Ảnh: Internet
Thiết kế xanh
Trong chiến lược Green marketing điều quan trọng mà các doanh nghiệp cần nắm được đó là bắt đầu cho những hoạt động thiết kế sản phẩm – dịch vụ thân thiện với môi trường.
Một ví dụ cho điều này đó là: Thương hiệu giấy Green Wrap của Fuji Xerox là một sản phẩm có thiết kế gần gũi với môi trường. Tất cả những thành phần của Green Wrap từ tên gọi đến sản phẩm đều không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Chiến lược giá cả thân thiện
Các doanh nghiệp nên làm nổi bật sản phẩm hoặc dịch vụ xanh của họ có thể giúp người tiêu dùng tiết kiệm như thế nào.
Ví dụ: Công ty có thể quảng bá một chiếc điều hòa mới được ra mắt và nhấn mạnh vào tính năng tiết kiệm điện so với những sản phẩm khác. Điều này sẽ khiến người tiêu dùng dễ dàng ủng hộ tính bền vững, giúp họ có thể nhận thức được rằng lựa chọn của họ là đầu tư cho một điều gì đó vì tài nguyên trong tương lai, đồng thời cho phép họ tiết kiệm tiền.
Định vị thương hiệu xanh
Một doanh nghiệp cần quảng bá rõ ràng tính phát triển bền vững của mình với những sản phẩm – dịch vụ coi đó là nhân tố chính của hoạt động kinh doanh. Mọi hoạt động của công ty từ sản xuất, kinh doanh đều cần phải phản ánh đúng giá trị bền vững của nó. Các doanh nghiệp không thể tự nhận bền vững trong những khi những hoạt động của họ vẫn tiếp tục tham gia vào những công việc thiếu bền vững.
Một ví dụ điển hình mà chúng ta có thể thấy là: The Body Shop một trong những thương hiệu xanh điển hình. Những định hướng và mục tiêu của họ được thể hiện rõ nét trên trang web chính thức. Họ phản đối việc thử nghiệm trên động vật, ủng hộ cho thương mại cộng đồng, đấu tranh vì quyền con người và bảo vệ trái đất. Và đến tận ngày nay công ty vẫn tiếp tục hoạt động theo giá trị đó.
Hoạt động logistic xanh
Không chỉ sản phẩm và dịch vụ xanh, mà bao bì cũng cần phải đáp ứng được yếu tố thân thiện với môi trường. Bao bì là thứ mà người dùng nhìn thấy đầu tiên, do đó nếu không phải là một chất liệu thân thiện với môi trường thì rất có thể người tiêu dùng sẽ không mua sản phẩm đó.
Vòng đời sản phẩm cũng phải xanh
Một trong những yếu tố nữa trong chiến lược Green marketing mà bạn cũng cần phải biết đó là vòng đời sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ quá trình sản xuất đến xử lý, tất cả đều không gây tổn hại cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường. Những hoạt động tiêu hủy không bền vững có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người và cả với môi trường.
Như vậy trên đây là bài viết chia sẻ giúp bạn hiểu hơn về Green marketing là gì? Cũng như nắm được những yếu tố cốt của chiến lược Green marketing như thế nào? Hy vọng đây sẽ là bài viết hữu ích cho những ai đang muốn tìm hiểu về marketing xanh.
*Nguồn tham khảo: MarketingAI
Lan Anh | Tackexinh.com